eyeLượt xem850
downloadNgười đăngPeter Phong D Cao

Tin nóng về nước Úc trong tháng 7 – part 3

Úc tài trợ đào tạo tiếng Anh cho quân đội Việt Nam

Trong tháng 7 vừa qua, Trường Sĩ quan Thông tin đã tổ chức khai mạc khóa đào tạo tiếng Anh do Úc tài trợ cho cán bộ sĩ quan trong toàn quân. Đây là khóa học được tổ chức đợt 2 trong năm 2020 với 61 học viên. Khóa học cũng nằm trong chương trình hợp tác về giáo dục – đào tạo giữa Bộ Quốc phòng của hai nước Việt Nam và Úc.

Khóa đào tạo trong đợt đầu tiên (từ 02.2020 đến 06.2020) đã hoàn thành tốt các nội dung chương trình đề ra. 56 học viên sau khi tốt nghiệp đều đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu, mục tiêu ban đầu của khóa học.

Phát biểu tại buổi khai mạc, lãnh đạo, chỉ huy Nhà trường và ngài Tùy viên Quốc phòng Úc tin tưởng khóa đào tạo tiếng Anh đợt 2 này sẽ đạt được kết quả cao. Khóa học cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới, trong đó có nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng.

Những nội dung dung quan trọng về visa tay nghề Úc giai đoạn 2019-2020

Sau đây là các mốc thời gian đánh dấu sự thay đổi quan trọng của visa Úc trong năm 2019-2020:

  • 15.11.2019: ngừng cấp visa 489.
  • 16.11.2019: visa 491 và 494 bắt đầu có hiệu lực, thay đổi hệ thống tính điểm visa tay nghề, thay đổi định nghĩa về vùng “regional”.
  • 20.03.2020: lệnh cấm nhập cảnh do COVID-19 có hiệu lực đối với những ai không có quốc tịch và thường trú nhân Úc.

Thư mời của visa tay nghề

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2019-2020 có 9.500 thư mời visa tay nghề được cấp. Trong đó, có 7.720 thư mời dành cho visa 189, 1.480 thư mời cho visa 491 và 300 thư mời cho visa 489. Số thư mời giảm nhiều nhất là vào tháng 4 và tháng 6 vì bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Điểm tối thiểu chương trình visa tính điểm

Theo số liệu thống kê, số điểm tối thiểu của chương trình visa tay nghề 189, 491, 494 tăng đột biến trong tháng 12.2019 và tháng 04.2020. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn phù hợp với những thay đổi đã được đưa ra trước đó trong bài kiểm tra điểm SkillSelect vào tháng 11.2019.

Visa đề cử bởi tiểu bang và vùng lãnh thổ

Theo dữ liệu, có tổng số 11.499 thư mời được Chính phủ tiểu bang và vùng lãnh cấp trong chương trình di cư 2019-2020. Trong đó, có đến 5.739 thư mời đã được cấp cho visa tay nghề 190 và visa tay nghề 491. Doanh nhân tài năng là chương trình có số thư mời ít nhất khi chỉ có 793 thư mời được cấp, tương đương 3.1% tổng số thư mời trong giai đoạn năm 2019-2020.

Nhìn chung, các tiểu bang và vùng lãnh thổ đều đạt được số lượng thư mời theo kế hoạch của họ trừ Tây Úc. Khu vực này được phân bổ 2.250 suất visa 190 nhưng chỉ cấp 1.290 thư mời, đạt 57% so với dự kiến ban đầu. Bên cạnh đó, Tây Úc cũng chỉ gửi 267 thư mời, con số chênh lệch khá lớn so với kế hoạch là 1000 suất.

Đồng đô la Úc đã chạm ngưỡng cao nhất của 15 tháng qua

Đồng đô la Úc (AUD) đã chạm ngưỡng cao nhất của 15 tháng qua, trong bối cảnh đồng USD đang xuống giá và giá vàng bất ngờ tăng “phi mã” khiến giá trị của đồng nội tệ Úc trở nên có giá trị hơn trên trường quốc tế. Sáng 28.07, đồng AUD trên thị trường nội địa được giao dịch ở mức 1 AUD đổi lấy 71,55 xu Mĩ. Đây chính là ngưỡng quy đổi cao nhất kể từ đầu năm 2019.

Christopher Kent – trợ lý thị trường tài chính của Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) cho biết sự hỗ trợ tài chính “chưa từng có” của Canberra đối với người dân trong thời điểm đại dịch đã đem lại những kết quả tích cực cho nền kinh tế, giúp khả năng phục hồi kinh tế tăng cao, bất chấp sự sụt giảm việc làm và thu hẹp sản xuất. Điều này cũng tạo ra niềm tin từ các nhà đầu tư và thúc đẩy giá trị của đồng AUD trên trường quốc tế.

Thống đốc RBA Philip Lowe nhận định kinh tế Úc đã có những dấu hiệu ổn định trở lại và mức độ suy thoái do đại dịch sẽ tác động thấp hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, Tiến sỹ Lowe cũng chỉ ra rằng kinh tế Úc vẫn đang nằm trong giai đoạn rất khó khăn kể từ thời kỳ suy thoái những năm 1930.

Ông Lowe cũng nói rằng các chính sách của Chính phủ và chính sách tiền tệ của RBA đã phần nào thúc đẩy kinh tế Úc sẵn sàng bước vào giai đoạn phục hồi sau COVID-19. Nhưng sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã lấy đi 800.000 việc làm của người dân Úc. Điều này đã khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa, hoạt động sản xuất bị đình trệ và sức mua của các hộ gia đình giảm sút,…

Theo số liệu tăng trưởng kinh tế quý 01.2020 vào cuối tháng 6, Bộ trưởng Ngân khố Úc – Josh Frydenberg xác nhận nước Úc đang trong thời kỳ suy thoái. Ông Frydenberg cũng cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Úc trong quý 01.2020 đã giảm 0,3% và có khả năng sẽ giảm mạnh hơn ở mức 9% trong quý 02.2020.

Theo Anzscosearch

Lừa đảo giả danh các cơ quan chính phủ Úc đang ngày một nhiều hơn

Tính từ 01.01.2020 đến 05.07.2020, Scamwatch đã nhận được hơn 7,100 trường hợp lừa đảo giả danh các cơ quan Chính phủ Úc với tổng thiệt hại lên đến hơn 1,26 triệu đô la. Thực tế, số nạn nhân và số tiền bị mất có thể còn lớn hơn nhiều.

Các vụ lừa đảo được báo cáo trong mùa thuế đã có sự gia tăng. Nhiều kẻ lừa đảo gửi tin nhắn văn bản tự xưng đến từ myGov hoặc từ các cơ quan với lời tuyên bố sẽ giúp nạn nhân có quyền truy cập sớm vào quỹ hưu trí của họ.

Phó Chủ tịch của ACCC Delia Rickard cũng có nói: “Những kẻ lừa đảo đang ngày càng tận dụng những khó khăn tài chính mà nạn nhân đang gặp phải và sự bất định mà đại dịch COVID-19 gây ra để lừa những người Úc không nghi ngờ và nhẹ dạ. Chúng tôi đang chứng kiến ​​hai loại lừa đảo chính mạo danh các cơ quan Chính phủ: các mối đe dọa giả mạo chính phủ và tấn công giả mạo ác ý. Cả hai trò lừa đảo này có thể khá thuyết phục và có thể dẫn đến tổn thất tài chính đáng kể hoặc thậm chí là đánh cắp thông tin cá nhân.”

Theo số liệu thống kê từ Scamwatch, 6 tháng đầu năm 2020 đã có rất nhiều vụ lừa đảo xảy ra. Cụ thể:

  • 67 báo cáo lừa đảo liên quan hoặc giả danh Bộ Y tế hoặc Bộ Y tế và Bộ Dịch vụ Nhân sinh của tiểu bang, gây tổn thất hơn 8,700 AUD
  • 443 báo cáo lừa đảo liên quan đến cảnh sát Liên bang Úc, gây thiệt hại nặng nề cho nạn nhân 176,000 AUD
  • 1,070 báo cáo lừa đảo giả mạo Bộ Dịch vụ Nhân sinh, móc túi nạn nhân hơn 94,000 AUD
  • 1,638 báo cáo các vụ lừa đảo liên quan đến myGov, thiệt hại hơn 105,000 AUD
  • 2,016 báo cáo các vụ lừa đảo giả danh Bộ Nội vụ, gây tổn thất hơn 99,000 AUD

Trong các vụ lừa đảo đe dọa giả mạo Chính phủ, nạn nhân thường sẽ nhận được một cuộc gọi tự động, đối phương sẽ giới thiệu là người của cơ quan Chính phủ như Sở Thuế ATO hay Bộ Nội vụ chẳng hạn. Kẻ lừa đảo sẽ nói với nạn nhân rằng họ đang vướng tới pháp luật như gian lận thuế hoặc rửa tiền. Kẻ lừa đảo sau đó cố gắng đe dọa nạn nhân phải giao nộp tiền, họ sẽ bị bắt nếu từ chối.

Trong trường hợp khác, nạn nhân sẽ nhận được email hoặc được gửi tin nhắn văn bản và đối phương tự xưng là đến từ một cơ quan của chính phủ như Bộ Dịch vụ Nhân sinh chẳng hạn. Những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận đủ điều kiện nhận thanh toán của Chính phủ hoặc vì người này có thể đã tiếp xúc với COVID-19. Các email và văn bản sẽ bao gồm một liên kết (đường dẫn đến một trang mạng khác) và yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin quan trọng như mã số thuế cá nhân TFN, chi tiết hưu bổng hoặc bản sao các giấy tờ nhân thân.

Khi gặp phải những trường hợp tương tự như trên, bạn không nên bắt máy hoặc trả lời tin nhắn. Nếu muốn xác nhận thông tin, bạn nên truy cập trang web của Chính phủ để tìm hiểu. Để tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo, bạn có thể truy cập website của Scamwatch (https://www.scamwatch.gov.au/). Tại trang web này, bạn có thể tìm hiểu kỹ thông tin về các hành vi lừa đảo. Trong đó có cả phần hướng dẫn cách thức báo cáo và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần. (Theo SBS)

New South Wales miễn thuế trước bạ cho người mua nhà lần đầu

Bắt đầu từ 01.08.2020, những người mua nhà lần đầu tại New South Wales sẽ được miễn thuế trước bạ (stamp duty) đối với những căn nhà mới có giá dưới 800,000 AUD. Với đất trống, mức giá được miễn stamp duty là dưới 400,000 AUD. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn sẽ tặng 10,000 AUD cho những căn nhà mới có giá dưới 600,000 AUD. Thay đổi này chỉ áp dụng cho những căn nhà mới xây và đất trống, không áp dụng cho nhà cũ, và kéo dài trong 12 tháng. Nếu thỏa để được hưởng cả hai ưu đãi trên, người lần đầu mua nhà ở bang New South Wales có thể tiết kiệm tới hơn 30.000 AUD (20.000 USD).

Thủ hiến Gladys Berejiklian cho biết số người mua nhà lần đầu dự kiến sẽ là 6,000 người. Những người này sẽ được hưởng lợi thông qua quyết định mới này của Chính phủ NSW. Đây cũng là cơ hội giúp những người mua nhà lần đầu tiết kiệm được hàng ngàn đô la. Được biết chương trình hỗ trợ mua nhà lần này tiêu tốn ngân sách khoảng 78 triệu đô la.

Theo Cục Thống kê Úc, tổng số lượng những căn nhà mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Theo Giám đốc hội đồng nhà đất NSW, những đổi mới về stamp duty sẽ giúp duy trì việc làm cho gần 400,000 người phụ thuộc vào ngành xây dựng. Dù chỉ là biện pháp tạm thời nhưng đây cũng là một biện pháp tốt trong thời điểm hiện tại để tất cả mọi người cùng chung tay hồi phục kinh tế sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dự toán kinh tế mới của Úc và cơ hội hiếm có đối với nhà đầu tư Việt

Dự toán kinh tế mới chuẩn bị cho giai đoạn hồi phục sau dịch COVID-19 của Úc là đầu tư vào năng lượng sạch. Đây là lĩnh vực vô cùng tiềm năng và có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế Úc. Nhiều người dân và doanh nghiệp đã chứng minh đầu tư năng lượng sạch giúp cho cuộc sống, kinh tế của họ tốt hơn rất nhiều. Ví dụ, Huon Hoogesteger (sống ở Sydney) cho biết ông đã tiết kiệm được khá nhiều nhờ lối sống xanh. Hiện ông có một công ty lắp ráp pin mặt trời và nhu cầu năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng vọt.

Bên cạnh đó, trong khi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong thời dịch, nhưng công ty của ông Hooogesteger vẫn hoạt động bình thường. Ông cũng cho biết thêm từ lúc thành lập doanh nghiệp vào năm 2011, doanh số luôn tăng từ 80% đến 100% mỗi năm. Đây quả là một con số mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp, nhất là vào thời điểm này.

Một báo cáo mới của Hội đồng Khí hậu cho thấy bằng cách chuyển qua năng lượng gió và mặt trời, người lao động ở Úc cũng sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Sẽ có 76.000 việc làm có thể được tạo ra nếu có những dự án năng lượng tái tạo qui mô, phục hồi hệ sinh thái, và xây dựng thêm phương tiện di chuyển công cộng.

Việc làm sẽ được tạo ra, khuyến khích đầu tư tư nhân và xây dựng cơ sở hạ tầng cho một tương lai năng lượng sạch. Đây chính là một trong những cách tốt nhất để phục hồi nhanh chóng kinh tế sau dịch. Chính phủ Liên bang cũng cam kết cắt giảm khí thải và đầu tư 10 tỉ đô la cho hơn 670 dự án năng lượng sạch.

Dự toán kinh tế đầu tư vào năng lượng sạch chính là cơ hội “có một không hai” để nhà đầu tư Việt xây dựng đế chế của mình ngay trên đất Úc.

Sầu riêng Việt bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng tại Úc

Theo thông tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Úc (thuộc Bộ Công Thương), ngày 23.07, 7 tấn sầu riêng đông lạnh của Việt Nam đã chính thức hoàn thành thủ tục thông quan vào thị trường Úc, cụ thể là bang New South Wales. Lô hàng sầu riêng đông lạnh lần này do Công ty ASEAN (trụ sở tại New South Wales) nhập khẩu nhằm quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ cho loại quả đặc trưng của miền Nam Việt Nam.

Tuần lễ Sầu riêng Việt Nam tại Úc kéo dài từ ngày 20.07 đến 31.07 và được triển khai đồng loạt ở các khu vực có nhiều người dân châu Á. Sau khi kết thúc, Thương vụ sẽ tiếp tục đồng hành với một đơn vị nhập khẩu khác tại thành phố Perth (Tây Úc) để triển khai chương trình xúc tiến cho một lô hàng sầu riêng Việt Nam mang thương hiệu AAA (dự kiến đầu tháng 8).

Chúng ta có thể thấy việc 7 tấn sầu riêng của Việt Nam được nhập khẩu vào Úc là một bước tiến cũng như là cơ hội mới đối với Việt Nam trên thị trường nước bạn. Nếu tạo dựng được thương hiệu tại Úc, khẳng định được chất lượng, sự an toàn theo tiêu chuẩn của Úc, sầu riêng Việt Nam sẽ được nhiều thị trường khác đánh giá cao.

Từ nhiều năm nay, sầu riêng Thái Lan và Malaysia vẫn đang chiếm lĩnh thị trường Úc. Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng đã mở thêm cơ hội cho sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường “khó tính” này. Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu sầu riêng 5 tháng đầu năm giảm đến 87,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mặt hàng nông sản có sự sụt giảm mạnh nhất ở thị trường xuất khẩu.

Chính vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tìm kiếm, mở rộng thêm các thị trường mới và xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Đây cũng là một cách tốt để thúc đẩy lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản Việt trên trường quốc tế.

Tâm sự của một y tá Việt tại Melbourne trên tuyến đầu chống dịch

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, khoa cấp cứu trong bệnh viện nay bận rộn lại càng bận rộn hơn. Từ ban lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ đến y tá đều phải làm việc trong môi trường căng thẳng kéo dài. Mỗi phút, mỗi giây đối với đội ngũ y, bác sĩ đều vô cùng quan trọng vì họ phải chịu trách nhiệm với sức khỏe, sinh mạng của rất nhiều người.

Khi thành phố Melbourne bị phong tỏa, các y tá người Việt trở đã trở thành một trong những người chiến đấu ở tuyến đầu, trong đó có anh Hiếu Huỳnh. Anh Hiếu Huỳnh hiện là y tá cấp cứu người Việt làm việc tại bệnh viện ở Melbourne. Anh cho biết, sau khi COVID-19 bùng phát trở lại, công việc của mọi người cũng có sự thay đổi. Nhưng tất cả bác sĩ, y tá vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, cùng động viên nhau để chiến đấu chống COVID-19 đến cùng. Đây chính là liều thuốc tinh thần và là nguồn năng lượng quý giá đối với những “người hùng áo trắng” tại thời điểm này.

Giờ đây, chắc hẳn họ vẫn đang bận rộn thực hiện sứ mệnh cứu người, lan tỏa yêu thương. Nếu muỗn chung tay chống dịch cùng họ, bạn chỉ cần đeo khẩu trang khi ra ngoài và tuân thủ mọi quy định của Chính phủ Úc. Sự đồng lòng đôi khi chỉ cần như thế là đủ.

Úc sẽ có 100 triệu lọ vắc-xin hoàn toàn miễn phí cho người dân Úc

Chính phủ Queensland đã đạt được thỏa thuận bảo đảm 100 triệu lọ vắc-xin nếu được Đại học Queensland phát triển thành công. Vắc-xin sẽ được cung cấp đầy đủ cho người dân Úc và hoàn toàn không tốn phí. Chính quyền bang Queensland đã trao 10 triệu AUD tiền đóng thuế để nhanh chóng theo dõi và phát triển nghiên cứu này.

Vắc-xin này bắt đầu được thử nghiệm trên người vào ngày 13.07. Nếu các thử nghiệm lâm sàng thành công và được các cơ quan quản lý y tế chấp thuận, “hàng trăm triệu” liều thuốc sẽ được sản xuất vào năm 2021. Chính phủ liên bang đã phân bổ 5 triệu đô la cho nghiên cứu này. Đại học Queensland sẽ giữ quyền sở hữu trí tuệ đối với công nghệ điều chế vắc-xin mặc dù có thỏa thuận với CSL.

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.